1. Tuya hoạt động như thế nào?
Tuya sinh ra ở vai trò nền tảng, mình đọc vài trang web thấy ghi rằng Tuya đang là nền tảng IoT toàn cầu lớn nhất thế giới nhưng không rõ có chính xác hay không.
Tuya sẽ cung cấp dịch vụ online, máy chủ, các dịch vụ đám mây và những thứ cần thiết về phần mềm, bao gồm luôn cả app di động để điều khiển đồ smarthome. Các nhà sản xuất OEM chỉ việc tích hợp phần cứng của họ với Tuya là xong, ngay lập tức nó có thể hoạt động cùng với hàng trăm, hàng nghìn sản phẩm khác, do các nhà sản xuất khác làm ra.
Đây cũng là cách mà nền tảng Mi Home hoạt động. Không chỉ có đồ smarthome từ Xiaomi mà các những hãng có hợp tác với Xiaomi, ví dụ như Yeelight, Philips hay Robovac, cũng có thể hoạt động cùng các thiết bị khác trong hệ sinh thái Mi Home. Cách hoạt động của Tuya cũng y chang vậy.
Lợi ích dành cho anh em chúng ta khi dùng Tuya:
- Có thể gom nhiều sản phẩm của nhiều hãng về căn nhà của mình
- Điều khiển từ 1 app duy nhất
- Giá cả đa dạng, đồ dùng phong phú
- Có thể dùng thiết bị của hãng này điều khiển hãng khác, thiết lập các cơ chế tự động kích hoạt (ví dụ: cảm biến của hãng A khi phát hiện cửa mở thì tự bật bóng đèn của hãng B)
Mình để ý thì thấy rằng đồ gia dụng Tuya cũng có giá khá tốt, ngang ngửa và có nhiều món rẻ hơn so với đồ Xiaomi / Mi Home.
2. App Tuya làm được gì, có cài đặt tự động hóa không? Độ phản hồi nhanh hay chậm?
App Tuya có gần như đủ tính năng của app Xiaomi Mi Home nếu anh em nào đã từng dùng qua. Bạn sẽ dùng 1 app duy nhất để liên kết các thiết bị mới vào căn nhà của mình, chia phòng, chia nhà, thiết lập thiết bị… Ví dụ trong trường hợp của cục Hồng ngoại S06 Mini thì mình sẽ dùng app Tuya để thiết lập tín hiệu hồng ngoại để dùng với máy lạnh, quạt, TV… trong nhà mình.
Cái hay của Tuya và các món đồ Tuya đó là BẠN CHỈ CẦN DÙNG 1 APP. Bye bye cái thời mà mỗi hãng có một ứng dụng riêng rồi. Nếu bạn quyết định đầu tư cho căn nhà của mình bằng đồ Tuya thì nhớ để ý logo trên hộp sản phẩm, nó sẽ ghi icon của app Smart Life hoặc Tuya Smart (cả hai app này đều có tính năng tương tự nhau, nền tảng phía sau vẫn là Tuya luôn). Mình sẽ thử thêm Smart Life và Tuya coi cái nào tốt hơn thì chia sẻ với anh em sau nhé.
Về độ phản hồi từ lúc bấm nút trên điện thoại cho đến khi thiết bị phản hồi rất nhanh, giống Xiaomi, Philips… và nhiều hãng smarthome khác. Cơ bản là đáp ứng được nhu cầu của tất cả mọi người đấy. Mình nhấn nút trên điện thoại của mình thì chưa tới nửa giây sau là cái máy lạnh của mình đã bật lên rồi.
3. Liên kết được với Google Assistant, Amazon Alexa
Đây là cái mà các hệ thống smarthome hiện đại phải hỗ trợ, chứ không thì mình không bao giờ mua, nhất là ở Việt Nam có trợ lý ảo tiếng Việt Google Assistant. Bạn có thể liên kết tài khoản Tuya với Google hoặc Amazon, ngay lập tức các thiết bị mà bạn đã thiết lập bên Tuya sẽ chạy sang Google. Mình chưa test được nhiều món nên chưa rõ tính tương thích có phải là 100% hay không, trước mắt là thấy cục hồng ngoại S06 Mini có tương thích.
Mình rút kinh nghiệm bên Xiaomi, dù rằng bạn có thể link tài khoản Mi Home với Google Assistant nhưng có nhiều thiết bị không sync qua, chẳng hạn như bóng đèn Xiaomi Philips, trong khi bóng đèn Yeelight thì lại được. Chắc ăn nhất thì bạn vẫn nên kiểm tra trên vỏ hộp hoặc web giới thiệu sản phẩm xem thiết bị của bạn có hỗ trợ Google Assistant hay không nhé.
Bạn biết lợi ích lớn nhất của việc link với Google Assistant là gì không? Đó là bạn có thể dùng giọng nói tiếng Việt để điều khiển căn nhà, như vậy tức là những người lớn, trẻ em ở chung với bạn cũng có thể dùng giọng nói tắt bật TV, máy lạnh, đèn… Chứ nếu chỉ nói được tiếng Anh (Amazon, Apple) thì có nhiều đối tượng bị loại bỏ khỏi những cái tiện lợi của smarthome lắm.
Nguồn: Tinhte.vn